Tuesday, June 28, 2016

THUYỀN TỰ DO SẼ ĐẾN ALASKA, HOÀN TẤT 50 TIỂU BANG MỸ (Quốc Dũng/Người Việt)





Quốc Dũng/Người Việt
Saturday, June 25, 2016 3:14:48 PM 

Bài liên quan

-------------

GARDEN GROVE, California (NV) - “Buổi gây quỹ cho chuyến đi lịch sử của Thuyền Tự Do (The Freedom Boat) trên 50 biểu bang Hoa Kỳ và cả ở Canada do Nhà Văn Hóa Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu, 22 Tháng Bảy, tại nhà hàng Diamond Seafood, 8058 Lampson Ave., Garden Grove, CA 92841. Chúng tôi rất cần sự bảo trợ và hỗ trợ từ tinh thần đến vật chất của quý cộng đồng, vì đây là chuyến đi cuối cùng của Thuyền Tự Do đến tiểu bang xa nhất, đường đi khó khăn nhất, Alaska.”

Thuyền Tự Do trưng bày tại Carriage Square Shopping Center, Salt Lake City, Utah, năm 2007. (Hình: nguoiviettudoutah.org)

Đó là lời của bà Madalenna Lài, chủ tịch Nhà Văn Hóa Việt Nam ở Pomona, người đã mang chiếc Thuyền Tự Do đi triển lãm ở khắp nước Mỹ và cả ở Canada trong suốt 15 năm qua.
Bà chia sẻ: “Chúng tôi có hai lời hứa với chính phủ Philippines và cộng đồng Việt Nam. Lời hứa thứ nhất, đã thực hiện từ ngày 26 Tháng Giêng, 2001, và đến nay sau 15 năm thực hiện, Nhà Văn Hóa Việt Nam sẽ hoàn tất tiểu bang cuối cùng - tiểu bang Alaska. Chúng tôi sẽ bế mạc chuyến đi lịch sử của Thuyền Tự Do lúc 6 giờ 30 chiều Thứ Bảy, 13 Tháng Tám, 2016, tại East High School, 4025 E. Northern Lights Blvd., Anchorage, AK 99508.”

“Chúng tôi đã hứa gì? Năm 1996, chúng tôi thành lập một tổ chức thiện nguyện mang tên Nhà Văn Hóa Việt Nam do tôi làm chủ tịch, đồng thời tôi cũng là chủ tịch Cộng Đồng Pomona Valley ở tiểu bang California. Ngày 15 Tháng Mười, 1996, tôi có dịp sang Philippines cùng với thị trưởng Pomona là ông Eddie Cortez để tham dự lễ cắt băng khánh thành Làng Việt Nam tại nơi này,” bà kể.

“Làng Việt Nam do Soeur Pascale Lê Thị Tríu điều hành đã giúp cho 2,000 thuyền nhân Việt Nam được ở lại. Bên cạnh đó còn có sự bảo trợ từ phía chính phủ Philippines, các giáo hội Công Giáo, và sự đóng góp của các cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, nhất là ở Hoa Kỳ,” bà kể tiếp.

Bà nói: “Lúc đó tôi mới nghĩ, tại sao Nhà Văn Hóa Việt Nam không có một chiếc thuyền để ghi lại hình ảnh lịch sử dòng người di tản khỏi Việt Nam đi tìm tự do chỉ trên những chiếc thuyền nhỏ bé. Tôi mới xin Soeur Pascale Lê Thị Tríu rằng tôi muốn có một chiếc thuyền mà những thuyền nhân đã dùng nó để vượt biển, nhưng soeur nói là không thể có, vì khi tới đất liền thì người ta đã đập bỏ thuyền hết.”

“Sau đó bốn năm, soeur gọi điện thoại cho biết đã xin được chiếc thuyền cho tôi. Đó là ngày 2 Tháng Giêng, 2000, Nhà Văn Hóa Việt Nam được chính phủ Philippines chấp thuận trao tặng lại chiếc thuyền tị nạn. Đây là chiếc thuyền tị nạn do 15 thuyền nhân sử dụng vượt biển để đi tìm tự do xuất phát từ Phú Khánh, Nha Trang, vào ngày 12 Tháng Năm, 1981,” bà nói tiếp.

Bà Lài cho biết: “Chiếc thuyền này vượt biển hơn 10 ngày thì cả 15 thuyền nhân phải ăn áo quần của mình để sống còn. Khi tất cả 15 thuyền nhân đều bất tỉnh thì thuyền trôi vào đất Philippines và may mắn được ông Jonard Duran là người đi giữ an ninh trên mặt biển phát giác và cứu.”

“Khi Tổng Thống Philippines Ferdinand Marcos hay tin câu chuyện thương tâm này, ông ra lệnh đem thuyền vào Freedom Plaza ở Bantaan để gìn giữ kể từ năm 1981. Bởi vì chiếc thuyền rất ý nghĩa với thuyền nhân khi họ dùng thuyền ra đi tìm tự do mà không đem theo thức ăn và thức uống,” bà kể. 

Bà Madalenna Lài bán vật lưu niệm gây quỹ cho Thuyền Tự Do. (Hình: nguoiviettudoutah.org)

Bà nhớ lại: “Khi trao chiếc thuyền đó, chính phủ Philippines có phỏng vấn tôi, chiếc thuyền to như vậy (chiều dài 10.5 mét, chiều ngang 3.5 mét, chiều đứng 3 mét) thì làm sao mang đi và mang đi với mục đích gì? Tôi trả lời rằng, chiếc thuyền tị nạn là một bảo vật vô giá, vì nó lưu dấu lại cho thế hệ mai sau biết cha ông đi tìm tự do trên thế giới bằng phương tiện gì.”

“Cha ông đã có mặt trên khắp nước tự do, trên thế giới tự do chỉ bằng chiếc thuyền bé nhỏ vượt đại dương này. Các thuyền nhân chấp nhận rời bỏ Việt Nam, quê hương yêu dấu, chịu gian lao, khổ sở, đói khát, bão táp, bị hải tặc cướp bóc, và hãm hiếp, để được tự do hay là chết... để thế hệ sau biết giá trị tự do, giá trị của con người. Trong lịch sử nhân loại không có một cuộc di tản, vượt biên vượt biển nào trên thế giới mà có hơn nửa triệu người chết trên biển cả chỉ vì đi tìm tự do,” bà sụt sùi nói.

Bà kể: “Sau đó, tôi đã hứa với chính phủ Philippines sẽ đem Thuyền Tự Do đi triển lãm tại 50 tiểu bang của Hoa Kỳ. Triển lãm nhằm để ghi lại lịch sử của thuyền nhân Việt Nam bỏ nước ra đi vì ước mơ được sống trong một đất nước tự do nên liều mình thà chết chứ nhất định không sống nếu không có tự do. Và sau khi hoàn tất chuyến đi, tôi sẽ đặt Thuyền Tự Do vào một nơi trang trọng nhất, đó là bảo tàng viện 'Cám Ơn Nước Mỹ và Thế Giới' (Thank You America and the World).”

Trong suốt 15 năm hành trình mang Thuyền Tự Do đi triển lãm khắp các tiểu bang, bà Madalenna Lài đi cùng với tài xế Tuyền Cao - một người Việt Nam mới sang Mỹ bốn tháng “nhưng dám đi xuyên bang với tôi. Tất cả các chuyến đi 15 năm nay đều chuyên chở bằng xe, trừ Hawaii thì phải đi tàu, khởi hành từ Long Beach,” bà nói.

“Lần này đi Alaska khó khăn gấp bội. Trong suốt 15 năm qua, Nhà Văn Hóa Việt Nam đã đến Alaska ba lần để vận động nhưng đều không thành vì tiểu bang này rất ít người Việt Nam. Nhưng giờ đây, đồng hương tại Alaska đã có lòng sẵn sàng để hỗ trợ chúng tôi hoàn tất công tác lịch sử này. Cái khó kế tiếp là vận chuyển như thế nào với tiểu bang xa xôi này là điều chúng tôi đắn đo nhiều nhất,” bà cho hay.

Bà kể: “Đầu tiên chúng tôi định gửi thuyền theo đường biển, vì lái xe rất tốn xăng, lại còn giấy tờ rất nhiêu khê. Chưa kể, muốn đến tiểu bang Alaska thì phải đi qua Canada, lại thêm một phiền toái nữa. Rồi lại chuyện mua bảo hiểm cũng rất khó khăn.”

“Thế nhưng, muốn gửi thuyền thì cũng phải lái xe từ California đến Washington, từ đó mới được gửi thuyền qua Alaska. Sau khi tính toán, chúng tôi thấy chi phí gửi từ Washington đi Alaska cả lượt đi và về là $20,000. Đó là chưa tính chi phí lái xe từ California đi Washington đã tốn $10,000 nữa. Tôi nghĩ, nếu đã đi tới Washington rồi thì sao không lái xe đi tiếp qua Alaska luôn? Thế là quyết định lái xe,” bà nói.

Bà cho biết: “Tài xế giờ đã lớn tuổi, không phải còn trẻ như 15 năm trước, nhưng vẫn đồng hành với tôi đi trọn chuyến đi lịch sử này. Và chiếc xe giờ cũng cũ kỹ lắm rồi, những bánh xe cũng đã lăn trong 15 năm qua 49 tiểu bang và Canada. Do đó, khoảng ngày 3 hoặc 4 Tháng Tám chúng tôi sẽ khởi hành, đi trước vài ngày để dự trù xe bị hư thì còn thời gian sửa chữa, để kịp đến Alaska vào ngày 13 Tháng Tám.”

“Tính toán các chi phí, chúng tôi cần khoảng $45,000 mới đi được. Vì vậy, nếu không có sự bảo trợ và hỗ trợ của quý cộng đồng, chúng tôi sẽ gặp khó khăn để hoàn thành trọn vẹn việc làm to lớn này. Chúng tôi rất cần sự tiếp tay của quý đồng hương,” bà tâm sự.

Bà Madalenna Lài nói: “Vé ủng hộ cho buổi gây quỹ lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu, 22 Tháng Bảy, tại nhà hàng Diamond Seafood là $50, vé VIP là $100. Xin quý vị tiếp một bàn tay, mọi ý kiến đóng góp, chi phiếu hoặc tiền xin gởi về: Nhà Văn Hóa Việt Nam, 450 W. Phillips Blvd., Pomona, CA 91766, điện thoại (714) 333-7428.” 

Liên lạc tác giả: truong.dung@nguoi-viet.com





No comments: