Thursday, June 30, 2016

KẾT THÚC 4 NĂM ĐIỀU TRA VỤ BENGHAZI : CHẲNG CÓ GÌ MỚI ! (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Wednesday, June 29, 2016 5:56:08 PM

Hôm Thứ Ba, Ủy Ban Ðặc Biệt Ðiều Tra Vụ Benghazi của Hạ Viện Mỹ đưa ra bản báo cáo kết luận cuộc điều tra về vụ tấn công tòa Lãnh Sự Mỹ hồi năm 2012. Mặc dầu mất thời gian hơn hai năm để hoàn thành và phí tổn công quỹ $7 triệu, bản báo cáo dài 800 trang không cho thấy có một khám phá gì đặc biệt cũng như không đạt được mục tiêu chính trị mà những người chủ trương muốn tìm.

Vụ Benghazi xảy ra khá lâu, nên có lẽ cần nhắc lại một số điểm chính.

Chiều tối ngày 11 Tháng Chín, 2012, một toán trên 100 phần tử Hồi Giáo quá khích võ trang tấn công vào Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ ở Benghazi, thành phố miền Ðông Libya, làm bốn người Mỹ thiệt mạng, trong đó có Ðại Sứ Chris Stevens, đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên chết trong lúc thi hành công vụ kể từ năm 1979.

Lúc này, bà Hillary Clinton đang là ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Thoạt đầu, bà Susan Rice, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng đây là một vụ biểu tình phản kháng của dân chúng phẫn nộ về một cuốn phim xúc phạm Hồi Giáo. Sau đó, khi đã nhận được báo cáo đầy đủ, bà xác định đây là cuộc tấn công của quân khủng bố, và cải chính tin tức lộn xộn ban đầu.

Các giới lãnh đạo Cộng Hòa ở Quốc Hội vin vào sự kiện này, tố giác chính quyền Obama giấu diếm tin tức, đánh lạc hướng dư luận. Thế là Quốc Hội cho mở cuộc điều tra. Qua nhiệm kỳ thứ hai, đầu năm 2013, Tổng Thống Barack Obama muốn chỉ định bà Susan Rice làm ngoại trưởng thay thế bà Hillary Clinton, tuy nhiên, dự kiến không vượt qua được khó khăn sẽ gặp trong quá trình chuẩn thuận của Quốc Hội, bà Rice rút lui để tổng thống chọn Thượng Nghị Sĩ John Kerry vào chức vụ này.

Nhưng vụ Benghazi chưa chấm dứt ở đó. Với mục tiêu chính trị, phe Cộng Hòa trong Quốc Hội muốn tìm ra ở đây những lý do để buộc lỗi chính quyền Obama. Dần dần việc phe Cộng Hòa dùng sự kiện Benghazi để tấn công phe Dân Chủ nhắm mục tiêu trực tiếp tới bà Hillary Clinton khi rõ ràng bà sẽ là ứng cử viên tổng thống năm 2016.

Năm 2014, Hạ Viện cho thành lập ủy ban đặc biệt do Dân Biểu Trey Gowdy (Cộng Hòa-South Carolina) làm chủ tịch. Ủy ban có thời hạn tới 2016 sẽ hoàn tất cuộc điều tra. Ủy ban luôn luôn khẳng định rằng mục tiêu chỉ là tìm hiểu sự thật chứ không nhằm đánh phá triển vọng đắc cử của bà Clinton. Nhưng mùa Thu năm ngoái, Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), thủ lãnh khối đa số Hạ Viện, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Fox, đã nói toạc ra rằng: “Mọi người tưởng là Hillary Clinton không thể bị đánh bại sao? Chúng tôi vừa lập một ủy ban điều tra đặc biệt về Benghazi...” Sau này, ông McCarthy giải thích lại lời ấy nhưng đảng Dân Chủ vẫn mạnh mẽ đả kích việc sử dụng vụ Benghazi vào mục tiêu chính trị đảng phái.

Sau nhiều tháng năm chờ đợi, cuối cùng bản báo cáo được đưa ra hôm Thứ Ba. Các thành viên Dân Chủ trong ủy ban không được duyệt lại toàn bộ bản báo cáo. Cho đến tối Thứ Hai, chỉ một số nhỏ cơ quan truyền thông được bên Cộng Hòa tiết lộ một phần báo cáo. ABC News nói rằng họ không nằm vào thành phần ấy. Nhưng đảng Dân Chủ cũng cho công bố một phần bản báo cáo ngay tối Thứ Hai.

Bản báo cáo của Cộng Hòa lên án năm điểm: (1) Bộ Ngoại Giao thiếu bảo vệ an ninh đúng mức cho nhân viên ở Libya, (2) CIA lơ là trước những dấu hiệu báo động, (3) Bộ Quốc Phòng không ứng cứu các công dân Mỹ kịp thời, (4) Chính quyền Obama không hợp tác hết lòng vào cuộc điều tra, (5) Một phụ tá của bà Clinton can thiệp vào bản báo cáo điều tra nội bộ ở Bộ Ngoại Giao.

Nhưng tất cả những cáo giác ấy, hoặc không có bằng chứng cụ thể, hoặc chỉ là lý luận và không thể đi đến sự quy lỗi hay đề nghị truy tố một cá nhân hoặc cơ quan nào.

Theo nhận định của các quan sát viên, bản báo cáo cuối cùng vừa phổ biến chỉ tác động rất giới hạn, nếu có, đến uy tín chính trị của bà Clinton. Ủy ban không tìm ra thêm chi tiết gì khác về sự can dự hay lỗi lầm của bà. Qua 16,000 trang ghi lại biên bản phỏng vấn trên 80 nhân chứng, không có điều gì đặc biệt mới lạ hơn đã biết qua những cuộc điều ra trước.

Trong tình trạng tranh cử, ông Donald Trump đã nhiều lần tố cáo bà Hillary Clinton về sự thiếu phẩm chất và khả năng lãnh đạo khi làm ngoại trưởng. Phát biểu sáng Thứ Ba ở New York, ông Trump vẫn còn nhắc lại một lời đã nói trước kia liên quan đến vụ Benghazi: “Hoàn toàn đáng tủi hổ về việc bà ta đã làm cho Ðại Sứ Chris Stevens. Khi ông bị bỏ rơi để rồi chết thì bà đang ngủ say trên giường, đúng vậy, điện thoại reo lúc 3 giờ sáng, bà còn đang ngủ.”

Theo ABC News, lời lẽ ấy của ông Trump chỉ là võ đoán. Vụ tấn công ở Benghazi bắt đầu lúc 3 giờ 42 phút, giờ Ðông bộ Hoa Kỳ, không phải nửa đêm. Và cuộc tấn công kéo dài nhiều giờ cho tới buổi tối. E-mail riêng của bà Clinton gởi con gái, Chelsea, cho thấy giờ đó bà thức và nói cho con gái biết có vụ tấn công ở Benghazi.

Ông Trump cũng sai khi cho rằng bà Clinton “đã khởi sự cuộc chiến đặt ông Stevens đến Libya.” Chiến tranh không tạo ra các đại sứ và nếu có thì đại sứ sẽ rời khỏi nơi đang xảy ra xung đột.

Nhưng ông Trump đúng khi nói là ông Stevens và ngoại giao đoàn Mỹ ở Libya đã xin tăng viện an ninh ở Benghazi mà Bộ Ngoại Giao không chấp thuận, do không đủ phương tiện, vì lãnh sự quán Benghazi xa tòa đại sứ ở Tripoli. Tuy vậy, “đại sứ đã yêu cầu hàng trăm lần” chỉ là một lối phát biểu cường điệu của ông Trump chứ không phải sự thật.

Tố giác của bản báo cáo điều tra là Bộ Quốc Phòng không đưa quân đội tới ứng cứu kịp thời cũng chỉ là điều kiện và tình hình thực tế. Benghazi ở quá xa và Bộ Quốc Phòng cho đến lúc ấy chưa có kế hoạch sẵn sàng triển khai mau chóng đơn vị nào trong trường hợp cấp bách như thế. Hơn nữa, CIA đã không tiên liệu đúng tình thế vô chính phủ ở miền Ðông Libya và những chuyển biến mau chóng sau khi chính quyền Muanmar Gadaffi bị lật đổ.

Tất cả những sơ sót ấy khó có thể tránh hết, với thực tế của nước Mỹ hiện diện ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng phê phán chuyện ấy để nhắm vào một mục tiêu chính trị thì ủy ban điều tra đặc biệt không thể đi đến kết quả vì thiếu yếu tố.

Tờ Washington Post châm biếm: “Cuộc săn ngỗng của đảng Cộng Hòa ở Benghazi cuối cùng về tay không, chẳng bắn được con ngỗng nào cả.”





No comments: