Saturday, March 10, 2012

NGHI ÁN MÁY PHÁT ĐIỆN CHẠY BẰNG NƯỚC CỦA TS NGUYỄN CHÁNH KHÊ (SGTT)




“Nghi án” máy phát điện chạy bằng nước của tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê
Ngày 10.03.2012, 08:38 (GMT+7)

SGTT.VN - Trong buổi sáng 9.3, tại phòng trình diễn chiếc máy phát điện chạy bằng nước, SGTT đã gặp GS.TS Nguyễn Đăng Hưng, chuyên gia nghiên cứu về vật lý hàng không - không gian. Ông trình bày quan điểm cá nhân về những vấn đề xoay quanh “phát minh” trên.

Các nhà khoa học tìm hiểu cơ chế của chiếc máy phát điện chạy bằng nước của TS Nguyễn Chánh Khê (người mặc áo lam, thứ hai từ trái sang). Ảnh: Gia Vinh

Thưa GS, vậy chất tham gia quá trình phản ứng đó, định danh chức năng của nó gọi là gì?
GS.TS Nguyễn Đăng Hưng: Vai trò của chất này, theo tôi là trữ năng lượng hoặc là chất khử, sẽ bị tiêu hao, bớt đi khối lượng. Muốn tái tạo, phải dùng năng lượng để nạp lại năng lượng cho nó. Phải gọi đúng vai trò của nó để tránh sự nhầm lẫn cho giới khoa học. TS Khê có quyền không công bố chất đó là chất gì nhưng phải nói rõ chu trình sản xuất có khó khăn không, tốn nhiều năng lượng hay không. Giả sử dùng trấu để tạo chất đó nhưng năng lượng dùng để tạo chất đó lớn hơn năng lượng phát sinh thì không hiệu quả về kinh tế. Cần nghiên cứu khối lượng sau thời gian sử dụng còn lại như thế nào? Có tác dụng gì với môi trường, con người hay không. Nếu là chất xúc tác, sau thời gian cống hiến để phát sinh năng lượng sẽ không bị hao tổn về lượng và chức năng so với ban đầu.
GS đánh giá như thế nào về “chất bí mật” mà đến giờ này, có lẽ TS Khê sẽ không bao giờ công bố?
Chất đó là chất gì, cấu tạo như thế nào đang là vấn đề thu hút quan tâm của giới khoa học. Về nguyên tắc khoa học, chất đó phải là chất đặc biệt vì tham gia phản ứng với nước, ở nhiệt độ thấp mà sinh ra nhiệt lượng lớn để giải phóng hydro. Đây là yếu tố quan trọng mà nhiều nghiên cứu đã thất bại trước đó. Nhiều nghiên cứu trên thế giới như Nga, Nhật thất bại vì không có hóa chất an toàn và hiệu quả như mong đợi. Với thiết kế nhỏ gọn như thế này mà sinh ra lượng điện như vậy thì đây là phát minh hết sức độc đáo, mang tính “cách mạng”. Nhưng đã là khoa học, cần phải công bố rõ ràng. Tác giả có quyền giữ bí quyết công nghệ nhưng phải công bố dưới góc độ khoa học, đó là quy định bắt buộc.
Chúng tôi đã công bố nhiều công trình khoa học trên thế giới nhưng chỉ giới thiệu nó ở góc độ khoa học, còn góc độ công nghệ sẽ được che giấu. Cần phân biệt phạm trù khoa học và phạm trù công nghệ rõ ràng. Một công trình khoa học phải được công bố minh bạch, rõ ràng dưới góc độ khoa học. Hội thảo hôm nay chỉ đặt câu hỏi chứ chưa được chủ nhân (TS Khê – PV) giải đáp.

Hay là TS Khê không muốn nói nhiều đến sáng chế của mình nên mới có nhiều vấn đề chưa làm thỏa mãn các nhà khoa học?
GS.TS Nguyễn Đăng Hưng: Theo tôi, sáng chế này chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, cần nhiều thời gian và công sức để hoàn chỉnh. Sáng chế này vẫn được xem ở quy mô trong phòng thí nghiệm. Nếu chưa làm rõ thì không nên công bố vì sẽ tạo nhiều hoài nghi cho dư luận, trong đó có các nhà khoa học trong nước và trên thế giới. Tôi mong các nhà khoa học về hóa học và vật liệu mới hỗ trợ thêm TS Khê nghiên cứu đầy đủ về chất này.
TS Khê cho rằng đây là phát minh lớn. Có thể cơ sở lý thuyết của phát minh này không dựa trên nền khoa học cơ bản…
Chưa có bất kỳ một phát minh nào về năng lượng, máy móc lại vi phạm hai nguyên lý: nguyên lý bảo tồn năng lượng và nguyên lý động nhiệt học. Đây là hai nguyên lý cơ bản của lĩnh vực máy móc từ xưa đến nay. Nếu phát minh này có cải tiến hai nguyên lý trên thì đây là phát minh khoa học và công nghệ đảo lộn khoa học công nghệ thế giới, cần nghiêm túc và cẩn trọng khi nghiên cứu và công bố.

GS nghĩ thế nào về phát biểu của TS Khê khi cho rằng “không hiểu vì sao có phản ứng đó”?
GS.TS Nguyễn Đăng Hưng:  Tôi ngạc nhiên rồi thất vọng khi nghe anh Khê lại nói như vậy dù với mục đích gì. Anh Khê không thể không biết quá trình phản ứng đó đã sinh ra năng lượng như thế nào. Tôi với anh Khê là bạn bè nhưng khi trao đổi khoa học, không để tình cảm chi phối.

Gia Vinh
----------------------------------------

Gia Vinh, SGTT
Ngày 10.03.2012, 08:22 (GMT+7)

SGTT.VN - Từ 8g30 phút đến 11g 30 phút ngày 9.3.2012, tại ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) diễn ra hội thảo về nghiên cứu khoa học “máy phát điện chạy bằng… nước” của TS Nguyễn Chánh Khê, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và triển khai trực thuộc SHTP. GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, TS Lê Hoài Quốc – trưởng ban quản lý SHTP chủ trì hội thảo khoa học trên.

Các nhà khoa học và nhà báo vây quanh chiếc máy phát điện chạy bằng nước của GS Nguyễn Chánh Khê. Ảnh: Gia Vinh

1. Theo đánh giá các nhà khoa học, hội thảo diễn ra trong không khí tranh luận sôi nổi xoay quanh hai vấn đề. Thứ nhất, việc hoạt chất tham gia vào nước để giải phóng hydro gọi là chất xúc tác hay là chất khử? Thứ hai, đó là hoạt chất gì?

Ở vấn đề thứ nhất, theo GS TSKH Nguyễn Đăng Hưng - chuyên gia nghiên cứu về vật lý hàng không không gian, nếu là chất khử, quy trình trên không phải là phát minh mới của TS Nguyễn Chánh Khê vì quy trình trên đã được nghiên cứu trên thế giới từ lâu. Còn nếu là chất xúc tác, phát minh của TS Khê, sau khi nghiên cứu hoàn chỉnh và công bố một cách nghiêm túc, sẽ có cơ hội… nhận được giải thưởng Nobel!

Đại diện của ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng, không thể gọi là chất xúc tác mà là chất khử hoặc là chất trữ năng lượng.

Theo GS Hưng, tại hội thảo, sau khi được các nhà khoa học góp ý, TS Khê đã thay đổi tên gọi về vai trò của chất được đổ vào trong bình nước. Tại buổi công bố “phát minh” (chữ dùng của TS Khê), TS Khê đã gọi đó là chất xúc tác. Còn tại buổi hội thảo, TS Khê gọi là “chất khử”.

Về vấn đề thứ hai, hoạt chất đó là hoạt chất gì, TS Khê từ chối tiết lộ bằng một câu nói: “Tôi cũng không biết vì sao có phản ứng như vậy khi đổ chúng (hoạt chất do TS Khê nghiên cứu) vào nước”. Phát biểu này của TS Khê đã làm nhiều nhà khoa học tham dự hội thảo cho rằng đó là một phát biểu không nghiêm túc. “TS Khê có quyền từ chối công bố chất đó là chất gì, cấu tạo như thế nào, thành phần ra sao… nhưng trước giới khoa học tại một hội thảo khoa học, tôi không đồng tình khi TS Khê lại nói như vậy”, TS Hưng nhận xét.

Nhân viên của TS Khê đổ nước, sau đó đổ chất bột màu xám vào bình. Ảnh: Gia Vinh

2. Sau khi hội thảo kết thúc (vào lúc 11g30), TS Khê đã mời các nhà khoa học tận mắt chứng kiến phát minh của ông mà trước đó họ chỉ đọc về công trình này trên các tờ báo xã hội (đã đăng công bố phát minh này vào ngày 14.1.2012).

Nhân viên của TS Khê đổ nước, sau đó đổ chất bột màu xám vào bình. Nước trong bình lập tức sôi lên, sau đó đèn điện có công suất 50W bật sáng. Nhiều nhà khoa học bàn tán về hoạt chất làm cho nước sôi. Một nhà khoa học cho rằng, quan trọng chất màu xám là chất gì vì hiện tượng làm nước sôi không là chuyện lạ nhưng lại đủ năng lượng để tách hydro ra khỏi nước. Nhiều nhà khoa học thắc mắc, lượng nước sau khi có sự tham gia của hydro và oxy sẽ đi đâu? TS Khê cho biết, lượng nước đó rất nhỏ, sẽ được quạt thổi ra ngoài.

Sau khi xem mô hình với công suất thấp, TS Khê tiếp tục mời các nhà khoa học tham quan sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên của ông. Nhiều nhà khoa học đã mở máy để xem cấu trúc bên trong. Có lẽ, sau khi đã thỏa mãn khi nghe TS Khê thừa nhận là chất khử thay vì gọi là chất xúc tác, nhiều nhà khoa học chỉ trầm trồ hoặc bình phẩm nhẹ nhàng. TS Khê vẫn bảo lưu ý kiến khi cho rằng, tháng 6 tới “cố gắng có sản phẩm bán trên thị trường”, không tiết lộ giá thành và các đối tác tham gia sản xuất.

Nước trong bình lập tức sôi lên, sau đó đèn điện có công suất 50W bật sáng. TS Khê cũng thừa nhận rằng, không biết vì sao có phản ứng như vậy khi đổ "hoạt chất bí mật" vào nước! Ảnh: Gia Vinh

Chuyện bên lề

Giới truyền thông tuy không được mời nhưng cũng tìm cách để vào được hội thảo này. Ảnh: TS Khê (áo lam, giữa) đang trả lời các câu hỏi của các nhà báo. Ảnh: Gia Vinh

1. Giới truyền thông không được tham dự hội thảo. Theo ban tổ chức, việc không cho phóng viên tham dự cuộc họp trên là để thiết lập không khí nghiêm túc để các nhà khoa học tập trung nghe TS Khê thuyết trình, đặt câu hỏi, nghe trả lời câu hỏi. Nếu có báo chí vào dự sẽ làm các nhà khoa học phân tâm, vì bị báo chí đặt câu hỏi hoặc nhờ giải thích những thuật ngữ phức tạp!

2. Một nữ nhà báo nảy sinh ý định “chôm” chất khử nhưng hành vi đó đã bị TS Khê phát hiện. Ông yêu cầu nhân viên cất lon đựng sản phẩm vào hộc bàn.

3. Khi phóng viên SGTT hỏi TS Khê về nhận định của GS Nguyễn Đăng Hưng về việc “phát minh” này, nếu làm nghiêm túc và minh bạch sẽ có cơ hội đoạt giải Nobel, TS Khê trả lời: “Tôi chưa nghĩ đến chuyện đó. Tôi chỉ mong chế tạo được máy để mọi người dùng nó. Giải thưởng của Nobel chỉ 1,35 triệu USD, còn thị trường có giá trị mấy chục tỷ USD mà. Nếu có giải thưởng Nobel thì tốt”.

4. “Tôi đã có hai bài báo trên một tạp chí khoa học của Mỹ về pin nhiên liệu (quy trình thứ hai của máy phát điện chạy bằng nước – PV) nhưng tôi không tiết lộ tên của tạp chí đó đâu. Nếu cần thì tôi sẽ gởi cho”, tiến sĩ Khê nói.

Gia Vinh

TIN LIÊN QUAN :

-------------------------------
MÁY PHÁT ĐIỆN CHẠY BẰNG NƯỚC
Friday, March 9, 2012
Friday, March 9, 2012
Friday, March 9, 2012
Thursday, March 8, 2012
Friday, March 2, 2012

.
.
.

No comments: